Sức khỏe : Cho đến thời điểm hiện tại, chưa rìm ra nguyên nhân gây bệnh Kawasaki ở trẻ em. Tuy vậy, các nhà nghiên cứu trên khắp nước Mỹ và Nhật Bản trong những chương trình như Nghiên cứu bệnh Kawasaki ở San Diego vẫn đang nỗ lực tìm hiểu nhiều hơn về căn bệnh này.

Bệnh Kawasaki còn có nhiều tên gọi khác là hội chứng Kawasaki, hội chứng hạch bạch huyết dưới da, sốt cấp tính. Có thể hiểu nôm na, đây là một hội chứng viêm mạch máu toàn thân, đi kèm sốt cấp tính, thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh có thể phát thành dịch trong các nhóm trẻ.

Bệnh Kawasaki thường xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi. Mỗi năm tại Mỹ có khoảng 3000 trường hợp, ở tại Nhật Bản là 4500 ca bệnh. Ở Việt Nam những năm gần đây cũng ghi nhận nhiều trường hợp mắc bệnh.

Nguyên nhân gây bệnh Kawasaki?

Đến nay, nguyên nhân gây ra Bệnh Kawasaki vẫn chưa được xác định. Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng nguyên nhân về lây nhiễm (ví dụ như virút hoăc vi khuẩn) là rất có khả năng. Hiện tại, không có chứng cứ cho thấy rằng bệnh này lây truyền.

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh?

Bệnh Kawasaki là tình trạng sưng viêm của các mạch máu nhỏ và vừa trên toàn cơ thể, bao gồm cả động mạch vành cung cấp máu cho cơ tim. Bệnh thường gây ra các triệu chứng sau:

  • Sốt kéo dài trên 5 ngày, thường là cao hơn so với 38,50
  • Kết mạc mắt sung huyết, đỏ mà không có rử
  • Môi, miệng, lưỡi sưng đỏ
  • Bàn tay và bàn chân xuất hiện ban đỏ
  • Phát ban trên cơ thể
  • Sưng hạch bạch huyết ở cổ

Ngoài hiện tượng sốt cao kéo dài, cha mẹ nên quan sát thấy trẻ có biểu hiện luôn nhắm mắt do sợ ánh sáng. Khi mắc bệnh, trẻ không chịu cầm nắm bất kỳ vật gì và cũng không bước đi được do lòng bàn tay và lòng bàn chân bị đỏ, giới hạn từ cổ tay và cổ chân trở xuống. Sau 2 tuần, da tay và chân sẽ bong, bắt đầu từ đầu ngón. Đặc biệt là trẻ bị nổi hồng ban quanh hậu môn, sau 2 tuần da ở đây cũng bị bong.

Không có xét nghiệm đặc trưng nên xác định bệnh chủ yếu dựa vào tập hợp các triệu chứng lâm sàng chính hay kết hợp với một số xét nghiệm mà chủ yếu là siêu âm tim.

Các xét nghiệm máu được dùng để phát hiện chứng thiếu máu nhẹ, số lượng bạch cầu trên mức trung bình, và tỉ lệ lắng đọng hồng cầu cao cho thấy bệnh nhân bị viêm mạch máu. Nhịp tim bất thường (chứng loạn nhịp tim) và các bằng chứng của sự căng cơ tim, có thể được phát hiện bởi máy điện tâm đồ (EKG).

Kawasaki là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tim ở trẻ em. Nếu không được điều trị, cứ 5 trẻ mắc bệnh Kawasaki sẽ có 1 trẻ bị các tổn thương mạch vành. Đối với một số trẻ, tổn thương có thể tồn tại cho tới khi trẻ trưởng thành, khiến cho thành động mạch vành trở nên yếu và hình thành túi phình động mạch, chúng có thể cản trở máu chảy tới các cơ tim.

Bệnh Kawasaki điển hình có 3 giai đoạn

Giai đoạn 1: Bệnh nhân sốt cấp tính, trung bình khoảng 10 ngày, thân thể bệnh nhân nổi ban, nổi hạch, phù chi hoặc có biểu hiện nội ban, viêm kết mạc.

Giai đoạn 2 (giai đoạn bán cấp): Thường kéo dài khoảng 2 tuần, biểu hiện bởi tăng tiểu cầu, tăng máu lắng, tróc da và bệnh nhân dần dần hạ sốt.

Giai đoạn 3: Là giai đoạn hồi phục với sự mất dần các triệu chứng lâm sàng. Giai đoạn này thường kéo dài. Sau khi hồi phục, thể trạng bệnh nhân bị suy yếu cần được bồi dưỡng.

Biện pháp điều trị bệnh Kawasaki

Để giảm nguy cơ biến chứng, tốt hơn, các bác sĩ sẽ bắt đầu điều trị cho bệnh Kawasaki càng sớm càng tốt sau khi xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng, trong khi vẫn bị sốt. Các mục tiêu của điều trị ban đầu là để giảm sốt và viêm nhiễm, ngăn ngừa tổn thương ở tim.

Bệnh được điều trị bằng 2 thuốc chính:

– Aspirin: Uống Aspirin làm giảm đau, hạ sốt, chống viêm và phòng ngừa tắc động mạch vành. Aspirin liều cao có thể giúp ngăn ngừa cục máu đông phát triển.

– Truyền tĩnh mạch Gamma globulin: Truyền một protein miễn dịch thông qua một tĩnh mạch có thể giảm nguy cơ của các vấn đề động mạch vành, biến chứng dãn phình mạch vành.

Khi cơn sốt đi xuống, có thể cần phải thực hiện aspirin liều thấp cho đến sáu đến tám tuần, và lâu hơn nếu người đó phát triển một túi phình động mạch vành. Aspirin giúp ngăn ngừa đông máu.

Hầu hết trẻ mắc bệnh có thể xuất viện sau một vài ngày điều trị. Thường thì loại thuốc duy nhất bạn cần phải cho trẻ uống tại nhà là aspirin, 1 lần/ngày kéo dài tới khoảng 6 tuần. Bạn cũng vẫn phải đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để tái khám, theo dõi định kỳ, bởi có thể bệnh sẽ tái phát, nhưng một số trường hợp bệnh diễn tiến âm thầm, mà người nhà của trẻ không hề hay biết.

Đối với những trường hợp bệnh gây biến chứng thì phải được theo dõi mạch vành, sử dụng thuốc chống đông máu và tuân thủ sự chỉ định của bác sĩ. Thông thường thì bệnh khá lành tính và có thể khỏi mà không để lại di chứng gì.

Do không tìm được nguyên nhân gây bệnh nên cũng khó để đưa ra được cách phòng tránh cụ thể. Bên cạnh việc giữ gìn vệ sinh cũng như môi trường sống cho bé, hãy đảm bảo việc ăn uống hàng ngày của trẻ được đảm bảo vệ sinh ngay cả khi ở nhà cũng như ở trường.