Chúng ta, ai cũng trải qua giai đoạn là học sinh, lớp của chúng ta cũng có những học sinh cá biệt và mỗi một giáo viên lại lựa chọn một phương pháp giáo dục khác nhau. Qua sự việc cách đây không lâu, sự việc vì một cái tát mà thầy giáo trẻ của một trường THCS tại Hà Nội bị đuổi việc, làm tôi suy nghĩ lại một lần nữa về vấn đề này. Tôi không phải là nhà nghiên cứu giáo dục, tôi chỉ là một người đã trải qua giai đoạn là học sinh và sắp trở thành phụ huynh mà thôi.

Lúc trước, phương pháp giáo dục thường được áp dụng là phạt học sinh hay sử dụng đòn roi. Trong lớp tôi có một cậu bạn, cậu bạn này rất nghịch ngợm lại hay trốn học, thầy giáo môn toán lựa chọn việc nhéo tai bạn ấy và hậu quả là bạn ấy càng không muốn học môn toán và thường trốn tiết. Tác dụng ngược rồi, cô chủ nhiệm tôi lại lựa chọn cho bạn ấy làm cán bộ lớp và hiệu quả đáng ngờ là bạn ấy chăm chỉ đi học và làm bài tập. Tôi không biết đâu mới là phương pháp phù hợp bởi mỗi một học sinh lại cần có một cách khác nhau.

Tôi đã đọc thấy ở đâu đó, bài viết về phương pháp giáo dục của giáo viên nước ngoài đối với học sinh hư. Nhiều quốc gia giáo việc bị cấm dùng vũ lực, thậm chí đụng chạm đến học sinh để tránh lạm dụng tình dục.

phuong-phap-giao-duc-hoc-sinh-hu
Phương pháp giáo dục với học sinh “hư”

Như tại Canada, Luật pháp Canada không cấm giáo viên sử dụng vũ lực với học sinh song có giới hạn. Thầy giáo chỉ được hành động mạnh để giúp trẻ học chứ không được dùng khi đang nóng giận. Giáo viên có thể dùng sức khống chế học sinh nhưng không được tát hay dùng bất cứ đồ vật nào như thước kẻ, roi… để đánh trẻ. Đối diện với học sinh hư, hầu hết giáo viên ở Canada áp dụng hình phạt cấm túc trẻ. Học sinh sẽ phải ở phòng kín sau giờ học, giờ ăn trưa, vào giờ giải lao… để suy ngẫm cho đến khi trở nên tôn trọng giáo viên hơn. Những em vi phạm nặng nội quy của nhà trường có thể bị đình chỉ học một vài ngày đến một tuần. Nặng hơn có thể bị đuổi học.

Hay tại Mỹ, hầu hết trường công lập không cho phép giáo viên có hình phạt trực tiếp lên học sinh. Các thầy cô khi đối diện học sinh hư hỗn, thiếu tôn trọng mình, đều chọn biện pháp đưa trẻ lên phòng giám thị để trò chuyện riêng hoặc cấm túc, đình chỉ học.

Quay lại trường hợp của thày giáo trẻ bị đuổi việc vì tát học sinh, điều đó khiến một số giáo viên chia sẻ họ cảm thấy chùn chân và nghĩ nhiều đến phương án an toàn để bảo đảm miếng cơm manh áo cho gia đình. Đồng ý là phương pháp giáo dục của thầy giáo trẻ là không đúng nhưng việc kỷ luât với thầy giáo này như vậy vô hình chung tạo nên một tâm lý lo ngại của giáo viên thêm vào đó còn kéo theo một số hệ lụy khác trong tâm lý của học sinh.

Không bao biện, không bênh vực và không một phụ huynh nào muốn thấy thầy cô giáo đánh con mình nhưng hãy nhìn sự việc từ hai phía chứ đừng vì nhà ít con, thương con, chiều con mà chỉ bênh con vô điều kiện. Hãy công bằng hơn và cùng phối hợp với nhà trường để giáo dục con cái đi đúng hướng.